Switch bàn phím cơ – mechanical switch hay gọi tắt là switch chính là linh hồn của bàn phím cơ. Các loại switch bàn phím cơ thường gặp? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp tất tần tật thông tin để các bạn có những lựa chọn phù hợp.
Switch bàn phím cơ là gì?
Switch – công tắc cơ học là những công tắc nằm phía dưới của keycap, có nhiệm vụ kết nối với PCB để truyền tín hiệu mỗi khi phím được nhấn.
Switch là trái tim và linh hồn của bàn phím cơ. Switch sẽ quyết định đến cảm giác gõ và âm thanh của bàn phím.
Có các dòng switch nào?
Dù có hàng trăm loại switch trên thị trường, nhưng chúng chủ yếu thuộc 3 dòng switch sau.
Switch Cherry MX
Switch Cherry MX là dòng phổ biến nhất trên thị trường bàn phím cơ. Có thể dễ dàng nhận biết dòng này dựa trên stem hình dấu [+] của nó. Switch Cherry MX cũng là dòng có lịch sử lâu đời (Xem thêm: Lịch sử Switch Cherry).
Năm 2014, khi bản quyền của Switch Cherry MX đã hết hạn, các hãng khác tha hồ sử dụng nên hiện nay nó là dòng switch phổ biến nhất do có rất nhiều hãng tham gia vào sản xuất. Qua đó làm giảm giá thành, giúp cho bàn phím cơ nay đã rẻ hơn rất nhiều.
Switch Topre
Topre switch hay còn được gọi là Capacitive non-contact switch (công tắc điện dung không tiếp xúc) do Topre Corporation, Nhật Bản sản xuất. Topre được yêu thích nhờ cảm giác gõ phím nhẹ nhàng, tự nhiên.
Đỉnh stem của Topre switch có dạng hình tròn đặc trưng. Tuy nhiên gần đây các hãng đã tùy biến thêm dấu cộng ở giữa để giúp các bàn phím Topre có thể gắn được các keycap của switch Cherry MX.
Những bàn phím cơ hiện sử dụng switch Topre như Realforce, HHKB, Topre, Cooler Master…
Matias Alps switches
Switch Matias Alps do Matias, một công ty của Canada sản xuất. Có thể nhận biết qua thiết kế đỉnh stem hình chữ nhật. Switch này đã từng được sử dụng phổ biến vào những năm 1980 trong các bàn phím của Apple, Dell, Acer nhưng hiện nay không còn phổ biến nữa.
Cherry MX và các loại switch bàn phím cơ
Do switch Cherry MX là dòng phổ biến nhất và hầu hết những bàn phím cơ bán ở VN đều sử dụng, nên từ đây mình chỉ nói về loại này.
Cấu tạo switch bàn phím cơ và nguyên lý loạt động
Switch Cherry MX có cấu tạo gồm 5 phần chính như sau:
Top housing – nắp trên
Được làm bằng nhựa dẻo có màu sắc khác nhau (thường là màu đen) hoặc nhựa trong để xuyên LED. Nó được gắn vào nắp dưới bằng khớp gài để dễ dàng tháo ra sửa chữa hoặc lube (là việc tra dầu vào lò xo và các bộ phận chuyển động trong switch giúp switch hoạt động trơn chu và âm thanh nghe “đã” hơn.
Slider/Stem
Khối trượt chứa stem để kết nối với keycap và lò xo. Ở trạng thái bình thường, khối slider này ngăn không cho 2 lẫy của crosspoint chạm vào nhau. Khi phím được nhấn, nó sẽ trượt xuống, làm cho 2 lẫy này chạm vào nhau làm đóng mạch và khi đó tín hiệu sẽ được tiếp nhận và truyền xuống PCB.
Crosspoint contact – Chân tiếp xúc chéo
Được làm bằng kim loại gồm 1 chân cố định và chân còn lại là một lẫy được ngăn cách bởi slider. Khi được nhấn, 2 chân này chạm vào nhau làm đóng mạch và khi đó tín hiệu được ghi nhận.
Coin spring – Lò xo
Có nhiệm vụ đẩy slider về lại vị trí cũ. Mỗi một loại switch thì lò xo sẽ có lực cản khác nhau. Xem ở hình phía dưới.
Bottom housing – Nắp dưới
Kết hợp với nắp trên để tạo thành vỏ bao bọc các bộ phận nhạy cảm bên trong switch (lò xo, crosspoint contact) và có một chân trụ (pin) ở giữa khi gắn lên PCB sẽ cố định vị trí của switch và 2 chân của crosspoint contact.
Switch 3 pin là gì? Switch 5 pin là gì?
“Pin” trên switch là số chân cắm của switch. Có hai loại switch là switch 3 pin và switch 5 pin.
Trong đó, chân số 1,2 (trên hình) chính là 2 chân của “crosspoint contact”, chân số 4 là chân của stem (đáy lò xo). Còn chân 3, 5 chỉ là 2 chân nhựa có nhiệm vụ làm cho switch chắc chắn hơn trên socket PCB.
Phân loại switch Cherry MX
Dòng switch Cherry MX có 9 loại chính và được chia thành 3 nhóm: Clicky + Tactile, Tactile, và Linear dựa theo hành trình, lực nhấn, điểm phản hồi… và một số thông số khác, và tất nhiên, mỗi loại switch sẽ cho ra một âm khác nhau khi gõ.
Clicky + Tactile
Đây là dòng switch đặc trưng nhất của bàn phím cơ, mang đến phản hồi xúc giác (tactile) và âm thanh lách cách (click) mỗi khi nhấn phím. Switch Clicky luôn đi kèm với Tactile.
Các switch đặc trưng: MX Cherry Blue, Cherry Green, Gateron Blue, Kailh Box White…
Tactile
Tạo ra phản hồi lên ngón tay nhờ 1 khấc hơi nặng tay ở gần Actuation point (điểm kích hoạt – vị trí ghi nhận phím đã ấn thành công). Nhờ vậy bạn sẽ cảm nhận được ngay phím đã được nhấn ăn hay chưa. (Xem thêm giải thích về Actuation point ở đây).
Các switch đặc trưng: Cherry Brown, Cherry White, Cherry Clear.
Linear – Tuyến tính
Dòng switch này không có khấc phản hồi như Tactile và cũng không có âm thanh như Clicky. Khi nhấn phím, phần stem sẽ chuyển động tuyến tính từ trên xuống dưới mà không gặp một “khấc” nào, mang lại trải nghiệm gõ phím mượt mà và âm thanh nhỏ hơn 2 loại trên.
Các switch đặc trưng: MX Cherry Red, Cherry Black, Gateron Black, Kailh Box Black,…
Các hãng làm switch
Như đã nói ở trên, bản quyền của switch Cherry MX đã hết năm 2014, cho nên bây giờ bất kể ai cũng có thể sản xuất mà không sợ bố con thằng nào. Điều này làm cho Switch Cherry MX ngày càng phổ biến và làm giảm giá thành Switch. Hiện nay có những hãng còn làm “tốt hơn” cả bản gốc.
Một số hãng hiện đang sản xuất Switch Cherry như: Cherry MX, Kailh, Gateron, GMMK…
Switch nào tốt nhất hiện nay?
Mỗi người có sở thích riêng, nên việc bảo loại switch này “sướng” hơn loại switch kia là điều hoàn toàn không phù hợp. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào từng hãng sản xuất mà sẽ có những switch với chất lượng khác nhau. Nhưng nói chung là ngoài bản chính Cherry MX (hàng Đức) thì có những hãng clone switch với chất lượng cao như Akko, Glorious, Holy Panda, Gateron…
Hy vọng qua bài viết trên đã có thể giúp bạn phần nào hiểu được cơ chế làm việc của switch và giúp bạn có thể dễ dàng lựa chọn một switch phù hợp cho riêng mình. Còn gì thắc mắc thì comment ở phía dưới nhé.
Tham khảo
Bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn như: